Hatred

After all, the hatred I have against society is actually to myself.

Nhiều người cầu cạnh chuyện tình duyên, nhiều người khác lại cúi gằm mặt bỏ chạy.
Tôi không biết xếp bản thân vào loại nào.
Bởi tự tâm tôi khát cầu chuyện tình cảm nhưng tôi không có cố công đi tìm, hệt như gã lười biếng suốt ngày ngẩng đầu chờ quả sung.

Chuyện này khiến tôi nghi ngờ bản thân mình, rằng sâu tận trong tôi, liệu tôi có khả năng toàn tâm toàn ý yêu thương một con người khác ngoài bản thân mình?
Tôi biết, đọc đến đây bạn sẽ tự hỏi rằng chuyện yêu thương bản thân mình thì có quái gì sai đâu?
Đúng là không sai nhưng chuyện một người trân quý bản thân và một kẻ ích kỷ, coi mình là tâm của cả một vòng tròn xã hội lại là hai chuyện khác nhau hoàn toàn, hệt như khối phô mai Thụy Sỹ hai nghìn Đô và cục cơm thiu bỏ xó hai ngày vậy.

Vậy bạn là dạng nào? Tôi là dạng nào?

Chuyện hơi rờm rà một tí. Tôi ngoài mặt thì đang cố gắng mốc men thành một tảng Jersey Blue[1] nguyên gốc nhưng bên trong lại là một con aspergillus flavus[2] chất chơi. Thỉnh thoảng, tâm trạng không tốt thì lớp phô mai “bị” thủng một lỗ và tế bào nấm tung tăng ra ngoài. (Vì vậy mà các bạn vừa sợ vừa “gớm”)
Để hình dung về tôi thì chính xác nhất là một cục cơm thiêu nổi mốc xanh được bọc bởi lớp phô mai vàng xanh fake[3]. Nói chung là giả trân, kỳ dị và có độc. Dù là ở dạng nào thì cũng không nhiều người thích hay có thể “thấm” được.

Với hình tượng này thì đến làm yêu quái lên hình ba giây trong Tây Du Ký tôi cũng không có cửa.
Sự thật là không cần đến hỏa nhãn kim tinh của Tôn Ngộ Không thì mọi người cũng nhìn thấy được nguyên hình của tôi và tôi cũng biết rằng mọi người nhìn thấy được thể.
Nhưng chuyện đó không quan trọng, nói chung là tôi dùng cách dở dở ương ương để sống qua ngày. Không ai quan tâm tôi, tôi cũng vờ không liên quan với mọi người.

Lúc đi trên dốc nghiêng giữa vỉa hè và lòng đường tôi thường hay trượt té, cứ bị các bạn ghẹo hoài. Chiếu trên tâm lý “bình thường”[4] mà nói những lần sau đi qua sẽ cố cẩn thận hết mức để không như thế. Nhưng luôn có một chút gì đó trong lòng tôi mong rằng mình trượt té.
Tôi có biết chuyện gì đang xảy ra với mình không? Có thể biết cũng có thể là không. Cả cuộc đời tôi là một trường ca hững hờ mà.
Đại khái là hễ là mọi chuyện trên đời đều mang mấy tầng nghĩa. Có chuyện nhìn giản đơn nhưng thật ra bên trong lại phức tạp vô cùng, cũng có nhiều kẻ tỏ ra thần thần bí bí nhưng bên trong chẳng khác gì lõi mía khô. Lấy chuyện đi bar làm ví dụ đi[5]. Mấy tay đi bar rồi bảo là vì cô đơn thật ra chỉ muốn tìm “đối tượng”, vài người khác thì là kẻ nghiện rượu, số ít khác thì lại đến vì muốn ngắm nhìn cuộc đời xô bồ, tìm quên đời sầu muộn vân vân và vân vân. Sau một lý do sẽ là nhiều tầng lớp “sự thật” mà người ta sẽ không muốn để lộ ra hoặc có khi còn không biết là nó tồn tại ở đấy.
Những kẻ luôn miêng sân si với cuộc đời rồi lại kỳ thị xã hội như tôi, luôn dùng mấy câu hoa hòe như “tâm cao khí ngạo” để miêu tả bản thân, thật ra lại chán ghét bản thân mình hơn hết thẩy.

Nếu mọi người thường xem phim hình sự Âu-Mỹ sẽ thấy một tình tiết hết sức quen thuộc mỗi khi xuất hiện một tên hung thủ mắc chứng Ái Kỷ (Narcissistic personality disorder) là lúc nhân vật chính tràn vào khám nhà tên đó cũng sẽ mở tủ quần áo ra xem. Vì sao lại làm thế, có đang chơi trốn tìm đâu? Tình tiết được dùng nhiều đến nhàm nhưng thật ra cũng không sai hướng khoa học nghiên cứu lắm. Đại khái là những người mắc chứng này nội tâm đè nén rất lớn, họ cho mình là hơn mọi người nhưng thật ra lại mang lòng lại tự ti rất lớn. Cuối cùng dẫn đến nảy sinh “ham muốn” dìm người khác xuống để an ủi bản thân. Cái họ theo đuổi không phải là việc trở thành bản thể hoàn hảo mà là hình ảnh hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh. Vì thế mà sinh ra tình tiết chung là những chỗ phơi bày cho người khác xem (phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ,…) sẽ được bày biện tinh tế, hoàn mỹ các thứ nhưng những nơi người khác không nhìn đến (tủ quần áo, ngăn kéo,…) sẽ vô cùng bày bừa lộn xộn.

Đừng nói tới chuyện Ái Kỷ hay không, thật ra, để một người có thể hồn nhiên như cây cỏ mà sống phơi bày hết bản thân ra ngoài xem ra sẽ là chuyện chỉ có ở một thế giới utopia viễn tưởng nào đó. Bản chất của con người được thiết kế để lặn sâu vào bên trong và mắc hội chứng Heliophobia nặng hơn bất cứ gã ma cà rồng nào.[6]

Hoặc là không.
Vì chỉ có những thành phần sống giả giả thật thật như tôi mới nghĩ thế. Cuộc đời ngoài kia thì tươi đẹp, con người thì thiện lành mới đúng bản chất. Ai mà biết được cơ chứ?

Lúc đang viết dở những dòng này thì quay sang nói với HL là “sống đơn giản cho đời bớt khổ.”
Nhưng “cái khổ” của tôi là gì? Không gì cả, có họa đi chăng nữa cũng chỉ là sự mục rỗng của chính tôi…

Bắt đầu lức 1 giờ 19 phút sáng ngày 19/10/2020, hoàn thành lúc 11 giờ 21 phút tối ngày 29/10/2020.


Chú giải:

[1] Mang tiếng là “Jersey” nhưng em này lại là dân Thụy Sĩ chính gốc. Giá cũng khá cao nhưng cũng không phải là loại đắt nhất. Chịu khó chọn góc chụp rồi ánh sáng các thứ thì em nó lên hình cũng khá là “nghệ”.

Jersey Blue (blue cheese from cow's … – License Images – 12685257 ❘  StockFood

[2] Chế này thì nói chung là “hung thủ” chính của mấy vụ thức ăn dạng tinh bột mốc meo cả lên. Lên màu cũng nhìn không tệ. Khi ăn phải thì nạn nhân sẽ đi đời sau mấy ngày bị dày vò tơi bời.

Fun With Microbiology (What's Buggin' You?): Aspergillus flavus
Một “em” aspergillus flavus đang khoe sắc dưới kính hiển vi

[3] Dù thiệt tình không biết là công nghệ hàng giả đã nghiên cứu phát triển mảng thị trường phô mai giả chưa.

[4] Hai từ “bình thường” này cũng chỉ là một khái niệm tương đối. Về cơ bản mà nói, là tìm một nhóm người, chọn ra những biểu hiện hành vi được lặp đi lặp lại nhiều nhất giữa nhóm người đó, từ đó xem những hành vi đó là “bình thường”, những hành vi có tần xuất biển hiện ít hơn sẽ bị gọi là “bất thường”.
Qua quá trình chọn lọc tự nhiên, những đặc điểm “bất thường” bị loại bỏ, cả xã hội ai cũng giống nhau. Có thật thế không?
Theo tôi là không. Ngược lại, chính những điểm “bất thường” đôi khi lại là điều chính yếu cho cả một bước ngoặt nhân loại.
Chẳng hạn như những phát kiến thiên văn học vĩ đại nhất của loài người. Một ngày đẹp trời nào đó thì có một gã dở người bảo rằng “Trái đất không phải hình vuông cũng không phải hình dĩa mà là hình cầu” rồi ít lâu sau lại có một gã cũng điên khùng không kém “tung ra” một mớ lý thuyết khó ưa dưới cái tên hoa mỹ là “Thuyết Nhật tâm”. Thời ấy thì cả xã hội nháo nhào, bây giờ thì là điều hiển nhiên.
Rồi câu hỏi muôn thuở khiến bao người đau đầu rối nào là “Con gà và quả trứng, cái nào có trước?” đến cùng lại được lý giải bằng hai từ “biến dị” giản đơn. (Nhưng cũng không nhiều người quan tâm lắm)
Những thành phần “bình thường” đối với những thứ “bất thường” không thể lý giải được nên sinh ra tâm lý xa lạ, sợ hãi. Mà vì số lượng đông hơn nên “nhào nặn” nỗi sợ trên thành hành vi “kỳ thị”. Giống như chuyện so sánh giữa X-men/Avenger và Supermen/Batman vậy đó, tôi vẫn thấy X-men và Batman chân thật hơn nhiều. Bởi bản năng của con người là sợ hãi trước những gì “khác biệt”, còn chuyện tung hô, thần tượng, đối với tôi mà nói, xem ra thật viển vông.

[5] Tôi lấy chuyện này từ phần mở đầu của một chương trong quyển Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải của Cao Minh. Hiển nhiên là nội dung sâu xa hơn cách tôi trình bày ở trên nhiều, thật lòng tôi cũng không chắc mình đã hiểu hết câu nói đó chưa…

[6] Vì tư tưởng này mà một trong những ý niệm lớn nhất của cuộc đời tôi là khát cầu một tình yêu mà tại đó hai người có thể nhìn thấy được bản ngã “xấu xí” nhất của nhau. Một tình yêu khắc sâu vào cốt tủy, một tình yêu cuồng dã, một tình yêu tồn tại trước khi hết thẩy mọi thứ bắt đầu…
Tình yêu của tôi, niềm cữu rỗi của tôi… Nhưng nếu một ngày kia, tôi bàng hoàng nhận ra phép cứu rỗi đó không phải là tình yêu, nó vỗn dĩ không tồn tại… Tôi được thiết kế với một nỗi ưu đơn vô vọng, không lối thoát, không sự cứu rỗi,… Tôi không biết lúc ấy sẽ như thế nào nữa…

Leave a comment